nhakhoathienchuong.com

nhakhoathienchuong.com

 Ngày càng nhiều các cháu có hàm răng lệch lạc khiến cha mẹ băn khoăn về tình trạng này của con mình. Thực tế cũng đã có rất nhiều bậc cha mẹ cho con cháu mình đi nắn chỉnh răng để chữa trị cho những hàm răng bị hô, bị móm hoặc là răng bị mọc lệch, chen chúc dù rằng chi phí nắn chỉnh răng rất là tốn kém và thời gian điều trị khá lâu dài.

Chỉnh hình răng hàm mặt (CHRHM) là gì?

CHRHM (chỉnh nha) (Orthodontics) là một chuyên ngành sâu trong nha khoa nhằm nghiên cứu chẩn đoán, ngăn ngừa và điều trị những sai lệch về khớp cắn và các lệch lạc bất thường của răng và hàm mặt, để có một bộ răng chức năng và thẩm mỹ mang lại sự hài hòa của hàm răng và khuôn mặt.

Điều trị CHRHM đòi hỏi những hiểu biết và kỹ năng chuyên môn cao để di chuyển, sắp xếp các răng mọc lộn xộn, không đều, răng khập khểnh, chen chúc về vị trí tối ưu và điều chỉnh lại tương quan giữa 2 hàm cho đúng, nhằm cải thiện thẩm mỹ và chức năng ăn nhai, làm cho vẻ mặt hài hòa và tạo nên khuôn mặt cân đối, các cơ hàm hoạt động chức năng hơn, các răng được ăn khớp nhau tốt, giúp cho nụ cười đẹp và hoàn hảo hơn.



Nguyên nhân dẫn đến sự lệch lạc của răng và sự sai hình của xương hàm?

Yếu tố di truyền từ lâu đã được xem là nguyên nhân gây lệch lạc răng hàm. Cha hay mẹ có xương hàm nhỏ, còn răng thì quá to hoặc ngược lại, có sự mất cân xứng về kích thước giữa răng và hàm khiến các răng không thể xếp ngay ngắn trên cung hàm.

Một số thói quen không tốt về răng miệng khi trẻ còn nhỏ lại là nguyên nhân khiến trẻ lớn lên có hàm răng ngoài ý muốn như tật mút ngón tay, mút môi và cắn môi, đẩy lưỡi, thói quen thở bằng miệng. Các thói quen xấu này sẽ gây mất hài hòa giữa răng và hàm.

Mất răng sữa sớm, răng vĩnh viễn không có được sự hướng dẫn và có thể đưa đến mọc lệch. Việc chú ý giữ gìn răng sữa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp các răng vĩnh viễn mọc đúng trên cung hàm.

Tình trạng dinh dưỡng kém có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm.

Chấn thương các răng. Ví dụ trẻ bị té ngã sẽ làm các răng di chuyển.

Một số bệnh tật gây sâu răng sớm, bệnh nha chu làm mất răng nên các răng bị xô lệch.

Làm sao biết trẻ cần được điều trị CHRHM sớm hay không?

Quan niệm về hàm răng đẹp là hàm răng đầy đủ với các răng mọc đúng vị trí trên cung hàm, có hình dáng bình thường và khớp cắn đúng.

Bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên về CHRHM từ lúc 6 - 7 tuổi để bác sĩ sẽ kiểm tra và phát hiện các lệch lạc răng hàm hoặc nguy cơ sai hình trong tương lai. Bác sĩ sẽ có những lời khuyên nếu nhận thấy trẻ cần được can thiệp CHRHM sớm và sẽ quyết định thời điểm điều trị. Một số trường hợp sẽ được giải quyết sớm, không cần phải chờ đến khi rụng hết răng sữa, vì lúc đó sự lệch lạc răng sẽ trầm trọng hơn.

Bởi vậy, tốt nhất là cứ mỗi 6 tháng cho trẻ đi khám định kỳ để tham khảo.

Khi mà người bác sĩ chuyên về CHRHM phát hiện nguyên nhân sẽ giúp cho trẻ có được một bộ hàm răng đều và đẹp.

Những trẻ có một trong những dấu chứng hay thói quen sau đây cần được điều trị CHRHM sớm:

- Khi có bất thường trong sự phát triển của răng, quá trình mọc răng và thay răng sữa, quá trình phát triển và mọc răng vĩnh viễn. Có thể nêu một số ví dụ như: răng xoay hay các răng mọc chen chúc, răng mọc sai vị trí, răng xô lệch, không ngay ngắn trên cung hàm; thiếu răng bẩm sinh, răng dị dạng và răng dư, răng sữa mất sớm, răng chậm thay, răng di chuyển do chấn thương.

- Khi trẻ có những thói quen xấu về răng miệng có thể gây sai lệch khớp cắn và những lệch lạc về răng và hàm mặt. Ví dụ như: mút tay, mút môi, tật đẩy lưỡi, thở miệng…

- Có những biểu hiện sai khớp cắn như: cắn chìa, cắn sâu, cắn chéo, cắn hở, hô, móm...

- Sự phát triển lệch lạc hay bất hài hòa giữa xương hàm trên và hàm dưới như cung răng và xương hàm hẹp; răng nhô ra trước hoặc răng thụt vào trong, xương hàm nhô ra trước hoặc xương hàm lùi ra sau.

Tuổi nào bắt đầu nắn chỉnh răng là tốt nhất?

Việc CHRHM có thể thực hiện ở mọi lứa tuổi, thời điểm chuẩn tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của sự sai hình xương và sự lệch lạc của răng. Ví dụ, một trẻ bị sứt môi và hở hàm ếch có thể phải dùng một máng chỉnh hình trong miệng ngay sau khi sinh vài tuần.

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, nhìn chung, thời điểm tốt nhất để điều trị CHRHM là khi các răng vĩnh viễn đã mọc (10-12 tuổi). Ở lứa tuổi này, xương hàm đang phát triển, rất thuận lợi cho việc nới rộng và sắp xếp lại các răng. Nhưng để việc nắn chỉnh răng thực sự có hiệu quả hoàn hảo và không gặp nhiều cản trở về sau thì ngay từ khi bắt đầu thay răng sữa (6-7 tuổi) nên cho trẻ đi kiểm tra răng miệng thường xuyên, để có thể thực hiện nắn chỉnh răng phòng ngừa kịp thời.

Nắn chỉnh răng phòng ngừa cần thực hiện rất sớm ngay khi bắt đầu thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn (khoảng 6-7 tuổi), để điều chỉnh cho hàm răng vĩnh viễn mọc ngay ngắn và đều hơn, giúp cho việc nắn chỉnh toàn diện ở lứa tuổi đã thay hết răng sữa (khoảng 12 tuổi) trở nên dễ dàng và đạt kết quả tốt.

Tại sao cần điều trị CHRHM sớm cho trẻ?

Nhiều bậc cha mẹ phân vân lo lắng không biết có nên đi chỉnh sửa răng cho trẻ khi trẻ chưa thay hết răng sữa hay không, liệu có thể bắt đầu việc điều trị chỉnh nha cho trẻ khi trẻ chưa có đủ các răng vĩnh viễn hay là phải đợi đến khi trẻ thay hoàn toàn các răng sữa? Chỉnh hình răng càng sớm, hiệu quả đạt được sẽ càng cao và thời điểm tốt nhất để tiến hành phương pháp này cũng không hạn chế với những bệnh nhân nhỏ tuổi.

Nếu không được điều trị CHRHM sớm, ngoài hậu quả là nó sẽ ảnh hưởng đến vẻ thẩm mỹ của khuôn mặt, răng mọc chen chúc, lệch lạc sẽ gây khó khăn trong việc giữ vệ sinh răng miệng làm tăng tỷ lệ sâu răng và bệnh nha chu, một khớp cắn xấu có thể ảnh hưởng đến hoạt động nhai và hiệu quả nhai sẽ làm giảm chức năng ăn nhai. Một số trường hợp khớp cắn lệch lạc trầm trọng có thể gây gây ra tình trạng khó phát âm, thậm chí trẻ không thể phát âm một số âm nào đó, mặt khác, còn có thể dẫn đến những bệnh lý ở khớp thái dương hàm.

CHRHM sớm sẽ giúp cho cung răng, xương hàm và các cơ nhai phát triển hài hòa với khuôn mặt thẩm mỹ hơn, giúp hài hòa khớp cắn giữa hai xương hàm. Điều trị các lệch lạc nhẹ giúp răng mọc đúng vị trí, sắp xếp các răng ngay ngắn lại sớm, loại trừ các yếu tố không thuận lợi cho khớp cắn, giảm thiểu tai nạn gãy răng cửa với các răng cửa chìa ra.

Việc chỉnh hình sớm đem lại nhiều lợi ích cho trẻ, thường ít gây đau đớn và khó chịu, trẻ sẽ dễ dàng hợp tác hơn, giúp phát hiện sớm và điều trị sớm các thói quen xấu có thể gây sai lệch khớp cắn. Một số trường hợp đơn giản, CHRHM sớm có thể giúp cho cung răng và xương hàm phát triển bình thường mà không cần một điều trị nào khác. Nếu trẻ không được điều trị các lệch lạc ban đầu, khớp cắn của trẻ càng lúc càng phát triển theo hướng bất lợi và làm cho quá trình điều trị sau này phức tạp, khó khăn và chi phí điều trị tốn kém hơn.

Chỉnh hình sớm giúp đơn giản hóa giai đoạn CHRHM toàn diện về sau, nhất là điều trị chỉnh hình sớm những trường hợp có lệch lạc trầm trọng về xương hàm, nếu để đến thời điểm trẻ đã lớn, sẽ không thể điều trị được bằng các phương pháp chỉnh nha can thiệp và toàn diện đơn thuần mà phải dùng phương pháp phẫu thuật phức tạp, tốn kém và khó có thể có được một kết quả hoàn hảo.

Điều trị chỉnh hình răng hàm mặt ở trẻ em

Thông thường có 2 hình thức điều trị chỉnh hình răng hàm mặt (CHRHM) ở trẻ là cố định hay tháo lắp, hoặc kết hợp cả 2 loại.

CHRHM tháo lắp

Là loại khí cụ mà tự trẻ có thể tự tháo ra và lắp vào miệng dễ dàng theo ý muốn. Trẻ sẽ tự mang hàm mỗi ngày và có thể cả khi ngủ. Bác sĩ (BS) điều trị sẽ hướng dẫn cách mang và thời gian mang mỗi ngày.

Hàm thường được sử dụng để di chuyển, điều chỉnh một răng hay một nhóm răng. Khí cụ chỉnh nha tháo lắp có rất nhiều loại hình thức và tác dụng khác nhau, do BS CHRHM chỉ định, thiết kế và thực hiện.

Thuận lợi của loại khí cụ này là trẻ có thể tháo ra theo ý muốn nên dễ được chấp nhận và trẻ có thể ăn, uống những món mà mình ưa thích trong quá trình điều trị. Hàm tháo lắp có ưu điểm là thực hiện nhanh, rẻ tiền và thoải mái cho bệnh nhân khi cần tháo ra, nhất là khi ăn.

Tuy nhiên, bất lợi của loại khí cụ này là dễ bị hư hỏng, dễ bị mất, kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào thái độ hợp tác của trẻ, vì nó chỉ có tác dụng khi mang vào miệng. Nếu trẻ không tự giác mang hàm thường xuyên liên tục, kết quả điều trị sẽ bị hạn chế. Khí cụ này không điều chỉnh được những lệch lạc răng phức tạp, do những bất lợi này, khí cụ tháo lắp thường được sử dụng trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị và sau thường được thay thế bằng khí cụ cố định.



CHRHM cố định

Khí cụ cố định thường bao gồm các mắc cài, dây cung và khâu được gắn chặt lên răng lúc bắt đầu điều trị và chỉ được tháo ra khi hoàn tất điều trị, bệnh nhân không cần phải thao tác gì cả.

Các mắc cài nếu bằng kim loại thì sẽ có màu kém thẩm mỹ nhưng hiện nay đã có một số loại mắc cài thẩm mỹ làm bằng mắc cài sứ, composite, hoặc đá, có màu như men răng nên khi mang sẽ đẹp hơn. Các loại thun đàn hồi có nhiều màu sắc được gắn vào mắc cài để giữ dây cung vào các mắc cài và khâu, đồng thời tạo lực trên dây cung và răng.

Khí cụ này được gắn chặt lên răng và có rất nhiều ưu điểm: điều trị cho hiệu quả tốt đối với những trường hợp răng lệch lạc phức tạp, kết quả điều trị ít phụ thuộc vào bệnh nhân. Tuy nhiên, nhược điểm của điều trị bằng khí cụ cố định là chi phí khá cao.

Quá trình CHRHM ở trẻ được tiến hành như thế nào?

Lần khám đầu tiên: BS sẽ lấy mẫu răng bằng thạch cao để nghiên cứu và chụp những phim X-quang cần thiết để phục vụ cho chỉnh nha.

Lần khám thứ 2: sau khi khám lâm sàng, có phim X-quang đầy đủ, bác sĩ sẽ tư vấn những thông tin về quy trình thực hiện chỉnh răng, sẽ có phương pháp điều trị riêng cho từng trường hợp, cho biết thời gian chỉnh răng trong bao lâu, trao đổi các qui định trong việc hợp tác CHRHM để có hiệu quả, các chi phí cần thiết cho việc điều trị.

Các lần khám tiếp theo đúng lịch hẹn của BS, cách nhau khoảng 2 tuần hay 1 tháng: BS gắn mắc cài lên răng, chỉnh dây cung và mắc cài để từ từ điều chỉnh các răng lệch lạc vào đúng vị trí của nó, xử lý các vấn đề cụ thể xảy ra trong quá trình nắn chỉnh răng. Những ngày đầu mang mắc cài trên răng, trẻ có thể hơi đau và thấy không thoải mái lắm, nhưng chỉ sau 1 - 2 tuần trẻ sẽ thích nghi dần.

Việc điều trị chỉnh hình răng kéo dài bao lâu?

Chỉnh nha là một quy trình điều trị được thực hiện trong một khoảng thời gian dài tùy từng trường hợp. Thời gian thực tế còn phụ thuộc vào độ tuổi, tính nghiêm trọng các sai lệch, mức độ lệch lạc của răng và sai hình của hàm, mức độ phức tạp phải di chuyển răng, phương pháp điều trị được áp dụng và sự hợp tác của bệnh nhân, sự đáp ứng của mô đối với vấn đề di chuyển răng nên rất khó đưa ra thời gian điều trị chính xác.

Nói chung, thời gian chữa trị với những khí cụ CHRHM trung bình kéo dài từ 1-3 năm. Đối với trẻ em, việc điều trị có thể chia thành nhiều đợt: đợt đầu là giai đoạn chỉnh nha phòng ngừa, can thiệp; sau đó là tạm dừng và giám sát những thay đổi trong quá trình trẻ mọc đủ răng vĩnh viễn và cuối cùng là giai đoạn CHRHM toàn diện.

Tầm quan trọng của sự hợp tác của bệnh nhân trong điều trị

Điều trị chỉnh nha là một điều trị đòi hỏi thời gian lâu dài và cần có sự theo dõi liên tục, đầy đủ. Muốn điều trị chỉnh hình thành công cần sự nỗ lực hợp tác của cả BS và bệnh nhân. Sự hợp tác chặt chẽ giữa cha mẹ và trẻ được chỉnh hình là rất cần thiết để đạt kết quả tốt. Muốn vậy cần:

- Luôn tái khám đúng lịch hẹn để theo dõi và điều chỉnh khí cụ, phải tuân thủ các hướng dẫn, lời dặn của BS (cách đeo và thời gian đeo thun, các khí cụ trợ lực). Nghiêm túc mang những khí cụ tháo lắp như: dây thun, băng đầu, khí cụ duy trì đúng theo sự hướng dẫn của BS CHRHM. Các khí cụ chỉnh nha khi ở đúng vị trí sẽ tạo ra các lực hữu hiệu và cho kết quả tốt nếu mang đủ thời gian. Ngược lại, có thể không có tác dụng hoặc thậm chí có thể gây chấn thương.

- Cần giữ gìn vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, đặc biệt khi điều trị bằng các khí cụ cố định để phòng ngừa sâu răng hoặc viêm nướu và hôi miệng. Nếu không vệ sinh răng miệng tốt, có thể sẽ xuất hiện hiện tượng đốm trắng mất khoáng, sâu răng hoặc viêm nướu.

- Phụ huynh nên giám sát và kiểm tra để bảo đảm trẻ vệ sinh răng miệng tốt và thực hiện theo đúng chỉ dẫn của BS khi mang các khí cụ. Cần kiểm tra các khí cụ, mắc cài hay khâu ở tình trạng tốt hay không. Nếu có bị sút, gãy hoặc gây đau thì báo cho BS ngay.

- Phải ngưng các thói quen xấu của trẻ như: thói quen mút tay, tật đẩy lưỡi… Việc điều trị sẽ không thành công nếu các thói quen trên không được loại bỏ.

- Trẻ cần chịu đựng và chấp nhận một ít sự khó chịu về phát âm khi mang các khí cụ điều trị CHRHM, nhất là khí cụ tháo lắp hoặc có thể bệnh nhân bị đau trong một hai tuần lễ đầu.

- Trẻ cần tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của BS CHRHM trong việc ăn uống như không được ăn những thức ăn dai, cứng như đá cục, kẹo, hạt đậu, bánh mì cứng hay những thức ăn dính, không được cắn bút hay viết chì sẽ làm hư sút các mắc cài chỉnh hình và dễ làm gãy, rớt và biến dạng các khí cụ chỉnh hình làm kết quả điều trị sẽ lâu hơn.

- Trẻ không nên chơi những môn thể thao như đá banh, hoặc chơi những trò chơi có thể gây chấn thương vùng mặt hoặc làm chấn thương răng.

Tại sao trẻ phải tiếp tục mang một số khí cụ sau khi nắn chỉnh các răng về đúng vị trí?

Quá trình điều trị chỉnh nha không chỉ là nắn chỉnh các răng về vị trí mong muốn, mà nó còn gồm cả một giai đoạn cuối được gọi là “giai đoạn duy trì”. Sau khi các răng đã di chuyển đến đúng vị trí, bệnh nhân sẽ phải tiếp tục mang một loại khí cụ để duy trì kết quả đạt được, nhằm giữ các răng ở đúng vị trí ổn định.

Điều trị duy trì là rất quan trọng để ổn định sự vững chắc của xương và răng, vì sau khi tháo khí cụ chỉnh hình, mô nha chu cần có thời gian để tổ chức lại cấu trúc, nướu và xương xung quanh tiếp tục điều chỉnh. Mặt khác, áp lực mô mềm luôn có khuynh hướng đẩy các răng trở về vị trí cũ.

Khí cụ duy trì có thể là khí cụ cố định hay tháo lắp, hoặc có thể chỉ là một đoạn dây kim loại được dán vào mặt trong của các răng. Mang những khí cụ này theo đúng hướng dẫn là cách bảo đảm tốt nhất để ngăn ngừa sự tái phát trong CHRHM. Thời gian mang khí cụ duy trì thay đổi tùy từng trường hợp, có thể kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn để ngăn ngừa sự dịch chuyển trở lại của răng.
 
Nha Khoa Thiên Chương
Hotline: 02573.826336 - 0983.407.972
Email: nhakhoathienchuong@gmail.com